108 Lượt xem

Bệnh Parkinson là gì?

Là một rối loạn thần kinh và vận động phổ biến còn được gọi là bệnh liệt run, bệnh Parkinson gây ra tình trạng mất dần sự kiểm soát của cơ bắp, căng cứng cơ, cứng khớp từ đó ảnh hưởng đến sự di chuyển của người bệnh. Nguyên nhân dẫn đến bệnh được xác định là do sự thoái hóa và chết dần đi của các tế bào não sản sinh là ra hoạt chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh dopamine, làm thiếu hụt hoạt chất này và tác động đến khả năng vận động của cơ thể.

Bệnh Parkinson phát triển âm thầm, khó phát hiện ở giai đoạn đầu và thường bắt đầu khởi phát từ những cơn run nhè nhẹ ở tay nên gọi là liệt run. Khi tiến triển nặng hơn, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong di chuyển, nói chuyện, suy nghĩ, mọi vận động đều cần nhờ người khác giúp đỡ, chất lượng cuộc sống suy giảm. 

Bệnh có nguy hiểm không? 

Dù không tước đi mạng sống của bạn bất thình lình như bệnh tim mạch hay đột quỵ nhưng bệnh Parkinson nếu như tiến triển, gần như sẽ biến bạn trở thành người tàn phế, làm tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hiện nay vẫn chưa có cách trị khỏi hẳn bệnh Parkinson. Phác đồ điều trị bệnh chủ yếu chỉ giúp điều trị và kiểm soát tốt triệu chứng. Trong vài trường hợp bạn buộc phải phẫu thuật, thay đổi lối sống và tập vật lý trị liệu suốt đời.

Nguyên nhân gây bệnh

Theo các bác sĩ chuyên khoa, hầu hết người mắc bệnh Parkinson là vô căn, nghĩa là dù xác định nguyên nhân gây bệnh là do sự thiếu hụt dopamine trong não nhưng các nhà khoa học vẫn không thể lý giải được tại sao có hiện tượng này. Dù vậy, nhiều bằng chứng khoa học đã phát hiện có vài yếu tố nhất định có thể khiến bạn dễ mắc bệnh này hơn, đó là:

Yếu tố di truyền và tiền sử gia đình

Người có người thân – anh chị em ruột hay cha mẹ từng bị bệnh Parkinson có nguy cơ phát triển bệnh cao hơn so với người khác. Cao không có nghĩa là chắc chắn sẽ bị bệnh, trong nhiều trường hợp, một số người dù có yếu tố di truyền nhưng lại không bao giờ phát bệnh.

Tuổi tác và giới tính

Hầu hết người bệnh Parkinson đều trên 60 tuổi và là nam giới. Tỷ lệ đàn ông mắc bệnh này được ước tính là cao hơn phụ nữ đến 50%.

Tác nhân từ môi trường sống

Tiếp xúc với các độc tố từ môi trường như các hóa chất độc hại, thậm chí là thuốc trừ sâu, diệt cỏ và nấm mốc; nhiễm các kim loại nặng (chì, thủy ngân) cũng có thể là một yếu tố nguy cơ của bệnh Parkinson, dù nhỏ.

Từng bị chấn thương đầu

Người từng bị đánh mạnh vào đầu, chấn thương sọ não dù nhẹ vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh hơn so với người khác. Nhóm đối tượng này thường là quân nhân, vận động viên thể thao…

7 triệu chứng của bệnh Parkinson

Dấu hiệu nhận biết của bệnh Parkinson ở mỗi người tuy khác nhau nhưng đều liên quan đến chức năng vận động của cơ thể và thường bắt đầu ở một bên cơ thể. Từ thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên, có thể bạn đã mất từ 60-80% các tế nào sản xuất dopamine trong não.

  • Run rẩy chi: Bạn sẽ cảm thấy các đợt run nhẹ bắt đầu ở ngón tay rồi lan dần ra bàn tay, cánh tay, sau đó xuống bàn chân, chân. Các đợt run người thường xảy ra khi bạn đang nghỉ ngơi, tình trạng run có thể tăng lên khi bạn bị kích động, căng thẳng hoặc mệt mỏi.
  • Cơ bắp căn cứng và đau: Các bắp cơ trên cơ thể bạn bị căng cứng, giảm độ linh loạt hoặc gây đau và bị chuột rút.
  • Khó khăn khi vận động: Bạn sẽ nhận thấy các vận động dường như bị chậm lại, ngay cả hành động đơn giản như cài khuy áo bạn cũng cần nhiều thời gian hơn bình thường mới hoàn thành được.
  • Mất thăng bằng và khó khăn khi đi bộ: Bạn dễ vấp ngã và không thể cất bước dài hay phải khom lưng khi đi bộ, hai cánh tay cũng không còn “đánh đàng xa” khi bạn bước đi nữa.
  • Giảm biểu cảm trên gương mặt: Các biểu cảm buồn, vui, giận dữ giảm khiến bạn trông như vô cảm.
  • Thay đổi giọng nói: Bạn sẽ nói chậm, nhỏ tiếng hơn, giọng khàn đục hơn.
  • Khó khăn khi viết chữ: Động tác cầm bút trở nên khó khăn, chữ viết xấu hơn và khó viết hơn trước.

Mặc dù các triệu chứng chính của bệnh Parkinson thường liên quan đến sự vận động nhưng việc mất dần sự kiểm soát của cơ bắp và tổn thương não liên tục có thể dẫn đến các triệu chứng khác về thần kinh như sa sút trí tuệ, tiêu tiểu không tự chủ, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

Nguồn: genvital.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *